THÊM MỘT ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VỀ VÕ CỔ TRUYỀN BÌNH ĐỊNH
Chiều ngày (14/9) tại TP. Quy Nhơn, trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Đánh giá thực trạng dạy và học môn võ cổ truyền Bình Định trong trường học phổ thông trên địa bàn tỉnh và đề xuất nội dung, phương pháp dạy giảng dạy trong giờ học chính cho học sinh phổ thông" do TS. Hồ Minh Mộng Hùng và cộng sự của Trường Đại học Quy Nhơn, Sở Giáo dục Đào tạo Bình Định phối hợp thực hiện tổ chức hội thảo chuyên đề: Xây dựng và hoàn thiện nội dung, phân phối chương trình, biên soạn giáo án, phương pháp giảng dạy môn võ cổ truyền Bình Định trong giờ học chính khóa đối với các cấp học tại Bình Định.
Quang cảnh Hội thảo
Đây là đề tài khoa học cấp tỉnh TS. Hồ Minh Mộng Hồng và cộng Sự thực hiện từ tháng 9/2018- 1/2021, bước đầu nhóm thực hiện đề tài đã xây dựng nội dung chương trình giảng dạy Võ cổ truyền Bình Định cho học sinh tiểu học gồm nhóm bài tập căn bản tay không (có 5 bài), bài tập đấu luyện tay không (3 bài tập) và nhóm bài tập đối kháng thủ cước (3 bài tập); Với học sinh Trung học Cơ sở, nhóm bài tập căn bản tay không (có 3 bài), bài tập đấu luyện tay không (4 bài tập) và nhóm bài tập đối kháng thủ cước (4 bài tập) và nhóm bài tập quyền tay không ( 5 bài tập); Với nhóm học sinh phổ thông trung học, nhóm bài tập căn bản tay không (có 6 bài), bài tập đấu luyện tay không (5 bài tập) và nhóm bài tập đối kháng thủ cước (4 bài tập) và nhóm bài tập quyền tay không ( 4 bài tập).
Hội thảo nhận được nhiều đóng góp ý kiến đóng góp, theo ông Đinh Khắc Diện: Đã nhiều năm lãnh đạo tỉnh muốn đưa võ cổ truyền Bình Định vào trường học, bởi võ là thế mạnh và là món ăn tinh thần yêu thích của con người Bình Định, được tôn trọng và gọi tên "Bình Định -miền đất võ". Cũng theo ông Đinh Khắc Diện, nhóm nghiên cứu đề tài cần phát triển nội dung chương trình cho phù hợp với lứa tuổi, giới tính, đặc điểm cá nhân, trạng thái sinh lý gắn với sự phát triển, gắn liền với các nguyên tắc sư phạm. Còn theo ThS. Đào Vũ Nguyên (Sở KH&CN) cho biết, đây là đề tài nghiên cứu khoa học thứ ba nghiên cứu về lĩnh vực này, có ý nghĩa góp phần phát triển Võ cổ truyền Bình Định. Ngoài ra một số giáo viên dạy môn thể chất góp ý kiến cho rằng cần có những quy chế dành riêng cho giáo viên dạy môn võ cổ truyền cũng như cần đào tạo….Hội thảo nhằm lấy ý kiến của các nhà khoa học, các võ sư, cũng như các giáo viên trực tiếp giảng dạy môn thể chất tại nhà trường để nhóm thực hiện và cộng sự hoàn chỉnh cũng như là phát triển đề tài góp phần phát triển Võ cổ truyền Bình Định.
Tin ảnh Tuấn Khoa